Đủ sữa cho con bú luôn là điều hạnh phúc với các mẹ, ngoài việc ăn uống khoa học, bổ sung dinh dưỡng hợp lý thì yếu tố hormone trong cơ thể mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp duy trì lượng sữa cho con. Để hiểu rõ hơn vấn đề này mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Quá trình sản xuất sữa mẹ chịu sự tác động của 4 hormone là estrogen, progesterone, prolactin và oxytocin. Cơ thể có thể tự điều chỉnh hàm lượng các hormone này để điều tiết lượng sữa phù hợp.
• Estrogen và Progesterone giúp bầu vú phát triển, sẵn sàng cho việc sản xuất sữa. Hai loại hormone này được giải phóng bởi nhau thai trong quá trình mang thai. Estrogen có chức năng làm tăng kích thước và số lượng ống dẫn sữa, còn progesterone giúp phát triển nang và thùy tuyến sữa. Estrogen và progesterone hàm lượng cao sẽ ức chế sản xuất sữa khi thai nhi còn nằm trong bụng mẹ. Khi em bé chào đời, nhau thai đã bong, hàm lượng các hormone này tự động giảm xuống, báo cho cơ thể biết đã đến thời điểm tạo sữa. Cũng vì vậy, khi nồng độ estrogen tăng cao sẽ khiến Prolactin giảm mạnh làm giảm lượng sữa mẹ.
• Prolactin giúp sản xuất sữa.(phản xạ tiết sữa) Khi trẻ mút vú sẽ kích thích bài tiết Porlactin. Prolactin đi vào máu, đến vú và tạo tín hiệu để cơ thể sản xuất sữa.
• Oxytocin giải phóng sữa khỏi bầu ngực. Hormone oxytocin được giải phóng khi em bé bắt đầu bú mút. Oxytocin co và đẩy sữa khỏi nang, Quá trình này được gọi là phản xạ phun sữa. Nếu phản xạ Oxytocin không làm việc tốt thì trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nhận sữa. Trong trường hợp này mẹ có nhất thiết phải dùng máy hút sữa? Nếu được mẹ hãy cho bé bú trực tiếp sẽ là cách hiệu quả nhất giúp hệ thống nang sữa hoạt động 1 cách hiệu quả.
Prolactin liên quan trực tiếp đến quá trình rụng trứng để hình thành kinh nguyệt và tạo điều kiện thụ thai. Nồng độ prolactin máu tỉ lệ nghịch với nồng độ estrogen máu.
Trong thời kỳ kinh nguyệt nồng độ estrogen tăng cao sẽ làm giảm lượng prolactin. Điều này đồng nghĩa với việc khi mẹ đang cho con bú mà đến chu kì kinh nguyệt nồng độ lượng prolactin giảm dẫn đến lượng sữa giảm. Các mẹ đừng quá lo lắng việc giảm sữa này chỉ diễn ra trong vài ngày mà thôi. Khi chu kỳ kinh nguyệt của mẹ kết thúc nồng độ estrogen máu giảm dần thay vào đó nồng độ prolactin tăng trở lại sẽ khiến lượng sữa mẹ tăng lại trở về như ban đầu.